Get Adobe Flash player

Trang chính ›   Đào tạo

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO NGÀNH TOÁN ỨNG DỤNG CHU KÌ 2020 - 2024

Đăng ngày: 06-05-21

1. Giới thiệu chương trình đào tạo (CTĐT) ngành Toán ứng dụng

Ngành Toán ứng dụng trình độ đại học của Trường Đại học Sài Gòn được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt theo quyết định số 2597/QĐ-BGDĐT ngày 24 tháng 06 năm 2011. Khóa tuyển sinh đầu tiên ngành Toán ứng dụng tại Trường Đại học Sài Gòn vào năm học 2011-2012, Khoa Toán - Ứng dụng được giao nhiệm vụ triển khai công tác giảng dạy.

CTĐT ngành Toán ứng dụng chu kỳ 2020-2024 được sửa đổi và cập nhật trên cơ sở CTĐT chu kỳ 2016-2020. Nội dung CTĐT được thiết kế theo hai định hướng nghề nghiệp của người học: Kinh tế định lượng và Toán tin ứng dụng. 

2. Thông tin chung về CTĐT ngành Toán ứng dụng

Bảng 1. Thông tin chung về CTĐT ngành Toán ứng dụng

1 Tên gọi Chương trình đào tạo ngành Toán ứng dụng
2 Bậc Đại học, Bậc 6/8
3 Loại bằng Cử nhân
4 Loại hình đào tạo Chính quy
5 Thời gian 4 năm
6 Số tín chỉ tối thiểu phải tích lũy 132 tín chỉ
7 Khoa quản lý Toán - Ứng dụng
8 Ngôn ngữ Tiếng Việt
9 Website http://fma.sgu.edu.vn/
10 Ban hành Theo Quyết định số 2058/QĐ-ĐHSG ngày 08 tháng 9 năm 2020 của Hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn

3. Triết lý giáo dục của Trường Đại học Sài Gòn

             A. Rèn đức

              Việc rèn đạo đức cho thế hệ trẻ trong đó có người học được đào tạo tại trường Đại học Sài Gòn là vấn đề mà Nhà trường luôn quan tâm, giúp bản thân người học nhận ra giá trị đích thực của cuộc sống. Rèn đức – được hiểu là luôn có khát vọng hành động vì lợi ích của mọi người. Rèn luyện đức với cái tâm trong sáng, với lòng nhiệt thành kết hợp và chỉ dẫn bởi cái tài, bởi năng lực thông tuệ. 

               B. Luyện tài

              Trong thời đại ngày nay, sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước đòi hỏi những con người, những thế hệ trẻ phát huy tài năng trên tất cả các lĩnh vực, trở thành những con người có tri thức và phẩm chất đạo đức cao đẹp. Do vậy, việc luyện tài thông qua việc học trên lớp, học từ môi trường xung quanh và tự học phải luôn được đẩy mạnh và khơi dậy tinh thần hăng say miệt mài học tập với động cơ và thái độ đúng đắn, với tinh thần kiên trì và tích cực nhất để có được tay nghề cao trong công việc của mình để vươn lên làm chủ khoa học, làm chủ công nghệ là một phần trách nhiệm của ngành giáo dục nói riêng và xã hội nói chung.

              C. Vững bước

              Đó là sự phát triển bền vững có thể đáp ứng được nhu cầu của các bên liên quan không những ở thời điểm hiện tại mà còn trong tương lai, gắn với nghề nghiệp và đáp ứng nhu cầu xã hội. Phát triển bền vững liên quan đến sứ mạng và tầm nhìn của Nhà trường trong việc đào tạo người học có năng lực, phẩm chất cần thiết trong quá trình học tập, làm việc trước và sau khi tốt nghiệp.

              D. Hội nhập

              Giáo dục người học có khả năng tiếp nhận kiến thức mới, tinh hoa văn hóa trên thế giới nhằm thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ quốc gia. Sinh viên trường Đại học Sài Gòn phải được đào tạo theo xu hướng hội nhập quốc tế là khả năng học tập và làm việc theo xu thế của lực lượng lao động hiện nay và được đánh giá theo tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế.

Triết lý giáo dục trên đây của Trường Đại học Sài Gòn được chuyển tải cụ thể vào CTĐT ngành Toán ứng dụng thể hiện ở Bảng 2.

Bảng 2. Triết lý giáo dục của Trường Đại học Sài Gòn được chuyển tải cụ thể vào CTĐT ngành Toán ứng dụng

CTĐT ngành Toán ứng dụng Triết lý giáo dục của Trường Đại học Sài Gòn
A B C D

Khối

kiến thức

giáo dục đại cương

Kiến thức Giáo dục thể chất, Giáo dục Quốc phòng – An ninh X X
Kiến thức Ngoại ngữ X X X
Kiến thức Lý luận chính trị X X
Kiến thức giáo dục đại cương khác X X

Khối

kiến thức

giáo dục chuyên nghiệp

Kiến thức cơ sở của ngành X X X
Kiến thức ngành X X X X
Kiến thức chuyên ngành X X X X

4. Tầm nhìn và sứ mạng của Khoa Toán - Ứng dụng

4.1. Tầm nhìn

Đến năm 2030, khoa Toán - Ứng dụng là một khoa có đội ngũ giảng dạy giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ và nghiên cứu khoa học; góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố Hồ Chí Minh và các vùng lân cận.

4.2. Sứ mạng

Khoa Toán - Ứng dụng không ngừng phát triển năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và nghiên cứu của đội ngũ cán bộ giảng dạy; đáp ứng tốt việc đào tạo cử nhân Toán ứng dụng, cử nhân Sư phạm Toán, Thạc sỹ Toán học, Thạc sỹ Khoa học giáo dục và Tiến sĩ Toán học phù hợp với nhu cầu xã hội.

5. Mục tiêu của CTĐT (POs) ngành Toán ứng dụng

5.1. Mục tiêu đào tạo chung

- Đào tạo người học có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm với công việc, kiến thức cơ sở vững vàng, chuyên môn tốt.

- Đào tạo nhân lực chất lượng cao có khả năng ứng dụng Toán học để giải quyết các bài toán trong thực tế ở một số lĩnh vực cụ thể.

5.2. Mục tiêu đào tạo cụ thể

Từ mục tiêu chung đã đề ra, chương trình đào tạo cử nhân Toán ứng dụng sẽ trang bị cho người học các mục tiêu cụ thể (viết tắt là PO) như sau:

PO 1: Người học sau khi tốt nghiệp có đạo đức và đam mê nghề nghiệp, có tinh thần phụng sự Tổ quốc.

PO 2: Người học sau khi tốt nghiệp có nền tảng vững chắc về ứng dụng của toán học và có năng lực vận dụng chúng trong một số lĩnh vực Toán ứng dụng.

PO 3: Người học sau khi tốt nghiệp có nền tảng vững chắc về Toán học; có thể tiếp tục học tập và nghiên cứu.

6. Chuẩn đầu ra của CTĐT (PLOs) ngành Toán ứng dụng

Trên cơ sở yêu cầu tối thiểu về kiến thức mà người học phải đạt được sau khi tốt nghiệp, chương trình cử nhân Toán ứng dụng cụ thể hóa các kiến thức thành các chuẩn đầu ra cấp CTĐT (Programme Learning Outcomes – gọi tắt là “PLOs”) chia ra thành 3 phần:

Tốt nghiệp trình độ đại học ngành Toán ứng dụng, người học có khả năng:

A. Kiến thức

A1. Kiến thức chung

PLO 1: Áp dụng các kiến thức chung về Toán ứng dụng, khoa học xã hội và sự hiểu biết về các vấn đề đương đại vào các lĩnh vực kinh tế xã hội.

PLO 2: Nghiên cứu Toán học trong mối quan hệ giữa các chuyên ngành toán học, giữa toán học với các ngành khoa học khác.

A2. Kiến thức nghề nghiệp

PLO 3: Mô hình hóa toán học một số vấn đề liên quan đến kinh tế xã hội.

PLO 4: Phân tích thiết kế hệ thống thông tin; phân tích xử lý dữ liệu thống kê.

PLO 5: Thiết kế và triển khai được một số mô hình toán học trong các chuyên ngành được đào tạo.

PLO 6: Phân tích, thiết kế và kiểm thử phần mềm. Phân tích, dự báo tài chính và đánh giá rủi ro trong kinh tế.

PLO 7: Vận dụng tốt kiến thức nền để tự nghiên cứu; cập nhật công nghệ mới để đáp ứng yêu cầu của nghề nghiệp.

B. KĨ NĂNG

B1. Kỹ năng chung

PLO 8: Giao tiếp đa phương tiện trong lĩnh vực nghề nghiệp và xã hội, trong môi trường đa văn hoá; đọc và hiểu được tài liệu chuyên ngành bằng tiếng Anh.

PLO 9: Làm việc độc lập và phối hợp làm việc nhóm hiệu quả ở vị trí là thành viên tích cực hay trưởng nhóm.

B2. Kỹ năng nghề nghiệp

PLO 10: Sử dụng thành thạo một số ngôn ngữ lập trình và giải thuật thông dụng; sử dụng những kỹ thuật và công cụ cần thiết trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo và Khai phá dữ liệu.

PLO 11: Thu thập, nhận dạng và tổng hợp số liệu; sử dụng thành thạo các phần mềm phân tích kinh tế thông dụng.

C. THÁI ĐỘ

PLO 12: Đam mê nghề nghiệp, luôn khát khao sáng tạo và học tập suốt đời.

PLO 13: Thể hiện tác phong đạo đức nghề nghiệp; thực hiện trách nhiệm xã hội.

Quan hệ giữa chuẩn đầu ra (PLOs) với mục tiêu (POs) của CTĐT ngành Toán ứng dụng thể hiện ở Bảng 3.

Bảng 3. Quan hệ giữa chuẩn đầu ra với mục tiêu của CTĐT ngành Toán ứng dụng

Chuẩn đầu ra

của CTĐT (PLOs)

Mục tiêu của CTĐT (POs)
PO1 PO2 PO3
1 X
2 X X
3 X
4 X
5 X
6 X
7 X X
8 X X
9 X X
10 X X
11 X
12 X
13 X

7. Cơ hội việc làm và học tập nâng cao trình độ sau tốt nghiệp ngành Toán ứng dụng

7.1. Cơ hội việc làm sau tốt nghiệp

- Có thể tham gia công tác giảng dạy tại các cơ sở đào tạo (sau khi đã lấy chứng chỉ Nghiệp vụ sư phạm).

- Tham gia vào các công đoạn của việc phát triển phần mềm ở các công ty phần mềm.

- Làm việc ở các cơ quan phân tích chính sách kinh tế, công ty chứng khoán, ngân hàng, …

- Đảm nhận các công việc liên quan đến tính toán và tin học ở các doanh nghiệp và tổ chức khác.

7.2. Cơ hội học tập, nâng cao trình độ sau tốt nghiệp

Sinh viên tốt nghiệp chương trình đào tạo ngành Toán ứng dụng có thể học tập, nâng cao trình độ (thạc sĩ, tiến sĩ) tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước đối với các chuyên ngành về Toán hoặc các chuyên ngành về Khoa học máy tính, Công nghệ thông tin, Toán kinh tế, Thống kê, Quản trị kinh doanh sau khi hoàn thành các học phần bổ sung kiến thức theo quy định.

8. Tiêu chí tuyển sinh, quá trình đào tạo và điều kiện tốt nghiệp của ngành Toán ứng dụng

8.1. Tiêu chí tuyển sinh

CTĐT ngành Toán ứng dụng chấp nhận người học đáp ứng những điều kiện dưới đây:

- Tốt nghiệp trung học phổ thông;

- Các quy định tuyển sinh trình độ ĐH hàng năm của Bộ Giáo dục – Đào tạo và trường Đại học Sài Gòn.

8.2. Quá trình đào tạo

CTĐT ngành Toán ứng dụng được cấu trúc theo hệ thống tín chỉ, thực hiện tuân theo Luật Giáo dục đại học, các quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của Trường Đại học Sài Gòn; thời gian đào tạo trong 4 năm, mỗi năm học gồm 02 học kỳ chính và 01 học kỳ phụ (được tính gộp vào học kỳ chính kế trước).

8.3. Điều kiện tốt nghiệp

Người học được công nhận tốt nghiệp nếu đáp ứng các điều kiện dưới đây:

- Tích lũy đủ số tín chỉ tối thiểu, số học phần của chương trình đào tạo và đạt điểm trung bình chung tích lũy từ 2,00 trở lên;

- Có chứng chỉ Giáo dục quốc phòng – An ninh và hoàn thành chương trình Giáo dục thể chất, đạt các chuẩn đầu ra về ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ thông tin theo quy định của Trường Đại học Sài Gòn.

Mô tả chương trình đào tạo ngành toán ứng dụng chu kỳ 2020 - 2024