Get Adobe Flash player

Trang chính ›   Thông báo

TRIẾT LÝ GIÁO DỤC KHOA TOÁN - ỨNG DỤNG

Đăng ngày: 19-03-22

TRIẾT LÝ GIÁO DỤC
KHOA TOÁN - ỨNG DỤNG ĐẾN NĂM 2025 VÀ TẦM NHÌN 2035

Triết lý giáo dục: “Tư duy phản biện, trách nhiệm, trung thực”

          - “Tư duy phản biện”: Còn được gọi là tư duy phân tích, là một quá trình tư duy biện chứng gồm phân tích và đánh giá một thông tin đã có theo các cách nhìn khác cho vấn đề đã đặt ra, nhằm làm sáng tỏ và khẳng định lại tính chính xác của vấn đề. Lập luận phản biện phải rõ ràng, logic, đủ bằng chứng, tỉ mỉ và công tâm. Để rèn luyện tư duy phản biện cho sinh viên, chúng ta cần:

          Tích cực trau dồi kiến thức một cách tổng quát, nắm vững thông tin đa dạng về các lĩnh vực đối với ngành nghề mình đang làm. Tập thói quen quan sát và học hỏi thật nhiều kiến thức để khi biện luận thì mình luôn là người nắm rõ các thông tin chính xác để thuyết phục người khác.

          Khi giải quyết một vấn đề nào đó, chúng ta cần tự đặt ra các câu hỏi để vấn đề đó trở nên hoàn hảo hơn, đề phòng các trường hợp không hay xảy ra ngoài suy nghĩ của mình.

          Sử dụng sơ đồ hóa ý kiến, tức là khi nhận diện một vấn đề nào đó, đầu tiên chúng ta nắm rõ thông tin chính xác về vấn đề gì? Về ai? Về điều gì? Liên quan đến lĩnh vực gì? Sau đó dựa trên những cơ sở khoa học và logic, nêu lên những câu hỏi để làm rõ vấn đề đó. Tư duy phản biện thực sự rất quan trọng cho tất cả mọi lĩnh vực nghề nghiệp chuyên môn và mọi chuyên ngành khoa học. Đây là một kĩ năng quan trọng vì nó tạo điều kiện cho người ta phân tích, đánh giá, xây dựng lại những suy nghĩ của mình, làm giảm rủi ro vận dụng, hành động, suy nghĩ với một niềm tin sai lầm. Đối với sinh viên, để học được nội dung kiến thức thì sự gắn kết trí tuệ là điều vô cùng cốt yếu.

          - “Trách nhiệm”: Trách nhiệm của một người là việc người đó phải đảm bảo kết quả xảy ra trong tương lai một cách chính xác và kịp thời (kể cả có ý thức hoặc vô ý thức). Nếu không hoàn thành trách nhiệm là mắc lỗi và người đó phải gánh chịu hậu quả không tốt xảy ra do lỗi của mình.

          Có trách nhiệm với bản thân nghĩa là tập trung vào những mong muốn, nhu cầu của mình đồng thời tìm ra hướng giải quyết cho các vấn đề của bản thân. Trách nhiệm chính yếu của mỗi sinh viên chính là học tập. Trong học tập, sinh viên cần chú tâm và biết tìm tòi, khám phá. Kiến thức không chỉ gói gọn trong những trang sách mà còn trải dài ra thế giới bao la. Nhiệm vụ của mỗi sinh viên là sử dụng sách vở để dẫn dắt bản thân ra thế giới kiến thức đó, tìm kiếm và thu thập những tài liệu quý báu cho bản thân, trau dồi kinh nghiệm thực tế để giúp đỡ bản thân trong quá trình học tập.

          Xã hội đang phát triển từng ngày và sinh viên là người trực tiếp giúp nhân loại phát triển, vậy nên các bạn sinh viên phải có trách nhiệm với nơi chúng ta tồn tại. Những hành động nhỏ như không xả rác, không hút thuốc, uống rượu, giữ gìn vệ sinh chung,… cũng là đóng góp cho xã hội. Hiện nay, các bạn sinh viên hăng hái tham gia đội thanh niên tình nguyện, những con người đó gánh vác trên vai trách nhiệm của bản thân, đi về vùng sâu vùng xa giúp đỡ người già neo đơn, sửa lại cây cầu, lợp lại mái lá,… tất cả những nghĩa cử cao đẹp đó đều thể hiện rõ rệt những cống hiến của họ với xã hội, mong muốn một đất nước tốt đẹp hơn. Chịu trách nhiệm với xã hội còn được thể hiện trong việc sinh viên ra trường, có việc làm chịu trách nhiệm hoàn thành tốt các công việc mà các bạn được giao phó.

          - “Trung thực”: Hiện nay, trong xã hội thường xảy ra một số vấn đề gây ảnh hưởng xấu đối với nhân loại liên quan đến tính trung thực, ví dụ như: gian lận trong thi cử,… Do đó, tiêu chí thứ ba khoa Toán hướng đến trong việc giáo dục sinh viên đó là tính trung thực.

          Trung thực là thành thực với mọi người và cả với chính mình, luôn tuân thủ chuẩn mực đạo đức chân thật trong từng lời nói và hành động. Đó là một trong những phẩm chất quan trọng nhất tạo nên giá trị của một con người chân chính.

          Trung thực là một đức tính rất cần thiết cho mỗi con người chúng ta. Chúng ta biết trung thực là nói thật trong mọi việc, thật thà trong gia đình, trung thực với mọi người trong xã hội. Người có đức tính trung thực là người luôn nói đúng sự thật, không làm sai lệch sự thật, ngay thẳng, thật thà, là người luôn được mọi người tin tưởng. Trong cuộc sống ngày nay, đức tính trung thực được biểu hiện qua những kỳ thi trong trường học hoặc những việc làm trong xã hội. Ví dụ như trong trường học, đức tính trung thực được biểu hiện như không có hiện tượng quay bài, chép bài hoặc xem bài của bạn,… và đức tính này cũng được biểu hiện trong xã hội như có những người ngay thẳng, không nói sai sự thật, không tham lam; trong kinh doanh, là những người ngay thẳng, họ sẽ không sản xuất những loại hàng kém chất lượng hay kinh doanh những mặt hàng bất hợp pháp, làm nguy hại đến người tiêu dùng.

            Tính trung thực giúp chúng ta trở nên đáng tin cậy trong mọi mối quan hệ, giao dịch, đó là sức mạnh lớn nhất giúp thuyết phục người khác. Sự trung thực là một phẩm chất quan trọng hàng đầu trên hành trình hiện thực hóa ước mơ của mình.


Bài cùng chuyên mục: